Những điều cần biết về đái tháo đường thai kỳ
Vì sao lại mắc bệnh đái tháo đường trong thai kỳ? Bệnh gây nguy hiểm như thế nào cho mẹ bầu? Cách nhận biết triệu chứng để chẩn đoán sớm? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Elevit.
Đái tháo đường thai kỳ là một tình trạng không hiếm, nếu không muốn nói là khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Dù không mẹ bầu nào mong muốn mắc rối loạn này, việc thực hiện xét nghiệm đường huyết trong thai kỳ là cách tốt nhất xác định liệu mẹ có mắc đái tháo đường thai kỳ không và có chế độ dự phòng, kiểm soát thích hợp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường của phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Rối loạn này chỉ xuất hiện trong thời kỳ thai sản và sẽ thường kết thúc khi em bé ra đời. Cụ thể hơn, rối loạn này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng phổ biến nhất là trong khoảng 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ cũng thường là nguyên nhân khiến em bé tăng trưởng quá mức, thai lớn hơn bình thường, khiến việc sinh thường trở nên nguy hiểm, từ đó làm tăng tỉ lệ sinh mổ. Các thai nhi có mẹ mắc chứng đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc béo phì, hội chứng chuyển hóa, bệnh đường hô hấp, dị tật bẩm sinh… Do vậy, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là bắt buộc đối với các mẹ bầu có tiền sử tiểu đường.
Các thai phụ có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị tiểu đường
- Thừa cân, béo phì
- Lớn tuổi (trên 35 tuổi)
- Từng có đái tháo đường thai kỳ trong các lần mang thai trước đó
- Từng sinh em bé nặng 4.0kg trở lên
- Từng có các biến chứng thai sản như sinh non, tiền sản giật, thai chết lưu không rõ nguyên nhân
- Có hội chứng buồng trứng đa nang
- Tăng huyết áp, đa thai
Đái tháo đường thai kỳ có thể không có các biểu hiện rõ ràng. Do vậy cách tốt nhất để phát hiện là thông qua con đường xét nghiệm đường huyết. Việc phát hiện và điều trị sớm đái tháo đường thai kỳ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự an toàn của mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Nguyên nhân gây đái tháo đường thai kỳ
Đây là rối loạn khá đặc biệt, thường không thể hiện bất cứ triệu chứng hay biểu hiện bất thường nào. Hầu hết các trường hợp chỉ được phát hiện khi lượng đường trong máu của bạn được kiểm tra trong quá trình sàng lọc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ có thể xuất hiện các triệu chứng nếu lượng đường trong máu của họ tăng quá cao (tăng đường huyết), chẳng hạn như:
Có biểu hiện khát nước tăng dần
Cần đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
Miêng khô và thường xuyên mệt mỏi
Tuy vậy, hầu hết những triệu chứng này đều phổ biến trong giai đoạn mang thai, không phải là biểu hiện riêng biệt của đái tháo đường thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ khi không kiểm soát tốt sẽ khiến cân nặng của trẻ sẽ lớn hơn mức bình thường. Điều này không chỉ gây khó chịu cho người mẹ trong vài tháng cuối của thai kỳ mà còn gây những khó khăn trong quá trình sinh nở.
Đa ối- quá nhiều nước ối (chất lỏng bao quanh em bé) trong bụng mẹ, có thể gây ra hiện tượng chuyển dạ sớm hoặc gặp các vấn đề khi sinh, sinh non (sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ)
Nguy cơ bị tiền sản giật: Tăng huyết áp khi mang thai và có thể dẫn đến các biến chứng xấu cho thai kỳ
Em bé khi sinh ra sẽ bị hạ đường huyết hoặcnguy cơ vàng da và mắt sau khi sinh do tăng hủy hemoglobin.
Khả năng thai chết lưu (tương đối hiếm)
Việc mắc đái tháo đường thai kỳ cũng đồng nghĩa với người mẹ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2 trong tương lai.
Phòng tránh đái tháo đường thai kỳ
Không có phương pháp nào hoàn toàn ngăn chặn được bệnh đái tháo đường thai kỳ, nhưng duy trì thói quen sống lành mạnh trước và trong quá trình mang thai có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Đối với những ai từng mắc đái tháo đường thai kỳ, việc duy trì các thói quen này cũng giúp giảm nguy cơ tái phát trong các lần mang thai tiếp theo hoặc tiến triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 sau này.
Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh hiệu quả:
- Lựa chọn thực phẩm lành mạnh: Ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau củ, và ngũ cốc nguyên hạt để hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
- Vận động thường xuyên: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động nhẹ nhàng như tưới cây, dọn dẹp nhà cửa, hoặc đi bộ. Những hoạt động này không chỉ tốt cho sức khỏe mẹ mà còn có lợi cho thai nhi.
- Duy trì cân nặng hợp lý trước khi mang thai: Thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe trong thai kỳ, như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, hoặc sinh non. Vì vậy, nếu bạn đang thừa cân và có kế hoạch mang thai, hãy giảm cân để tạo điều kiện tốt cho một thai kỳ khỏe mạnh.
- Tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ: Tăng cân quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ, đặc biệt là ở những thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ tư vấn mức tăng cân hợp lý cho bạn dựa trên cân nặng và tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé.
Xét nghiệm đường thai kỳ được thực hiện như thế nào?
Do những biến chứng nguy hiểm kể trên cho sản phụ và em bé, việc xét nghiệm đường huyết trong thai kỳ được xem là một xét nghiệm quan trọng, được hầu hết các bệnh viện và phòng khám khuyến cáo thực hiện ở tất cả các thai phụ. Đây cũng là hành động cần thiết để sàng lọc, loại trừ hoặc có biện pháp giảm thiểu các tác động gây hại cho mẹ bầu và thai nhi.
Thời điểm tốt nhất để xét nghiệm đường huyết thai kỳ được xác định rơi vào tuần thứ 24-28 của thai kỳ. Trong trường hợp mẹ có nguy cơ cao đái tháo đường thai kỳ, nghiệm phát tầm soát có thể thực hiện sớm hơn. Và nếu nghiệm pháp âm tính, sẽ thực hiện lại khi thai nhi được 24 – 28 tuần.
Hiện nay, xét nghiệm đường huyết thai kỳ tại Việt Nam được thực hiện theo phương pháp dung nạp glucose qua đường uống. Phương pháp xét nghiệm đường huyết thai kỳ này đã được chứng minh là không gây hại cho mẹ và thai nhi, nhưng mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc chóng mặt ngay sau khi uống dung dịch đường. Đây là một hiện tượng bình thường, nên các mẹ bầu có thể yên tâm.
Việc xét nghiệm được thực hiện vào buổi sáng với 3 giai đoạn.
- Lần 1: Thai phụ được lấy máu ngay khi đói (nhịn ăn trong 8 giờ, không quá 12 giờ)
- Lần 2: Thai phụ uống nước có pha glucose và lấy máu lần 2 trong khoảng 1 tiếng sau khi uống
- Lần 3: Cách 2 giờ kể từ khi uống nước pha đường glucose.
Các chỉ số đường huyết đo tại 3 thời điểm trên được coi là bình thường nếu:
- Xét nghiệm lần 1: < 5,1 mmol/L
- Xét nghiệm lần 2: < 10 mmol/L
- Xét nghiệm lần 3: < 8,5 mmol/L
Các bác sĩ sản khoa cho rằng, đái tháo đường thai kỳ đang trở thành vấn đề đáng lo ngại với sức khỏe thai phụ. Trong khi các mẹ bầu vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xét nghiệm đường huyết thai kỳ, thì rối loạn này có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Trong trường hợp đã xác định mắc đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần Điều chỉnh chế độ ăn uống trong thai kỳ, luyện tập ở mức vừa phải, dùng các biện pháp làm hạ đường huyết, nếu việc thay đổi lối sống không đủ để duy trì đường huyết mục tiêu.
Việc thay đổi chế độ ăn uống trong thai kỳ, tăng cường tập các bài tập thể dục phù hợp đã được chứng minh có thể làm giảm lượng đường trong máu. Các mẹ bầu có thể thay thế các đồ ăn nhẹ có đường như bánh quy, kẹo, kem sang các loại đồ ăn có chứa đường tự nhiên như trái cây, cà rốt, bổ sung thêm rau và ngũ cốc vào trong thực đơn ăn uống. Ngoài ra, 30 phút vận động với các bài tập thể thao mỗi ngày như đi bộ, bơi lội... cũng giúp cơ thể hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, kiểm soát và cân bằng lượng đường trong cơ thể.
Để có được một thai kỳ khỏe mạnh, các mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ để kịp thời phát hiện và điều chỉnh, giữ an toàn cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, khi bị chẩn đoán đái tháo đường trong thai kỳ, các mẹ cũng đừng quá hốt hoảng và lo lắng. Các mẹ bầu có thể tự kiểm soát bệnh hiệu quả bằng điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, kết hợp theo sát với các chỉ định của bác sĩ.
CH-20241024-03