Các cột mốc khám thai mà mẹ bầu cần biết

Khám thai định kỳ giúp kiểm tra và theo dõi sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ là một trong những điều quan trọng mà mẹ bầu nên tuân thủ trong suốt quá trình mang thai. Bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các mốc khám thai quan trọng và những lưu ý khi đi khám thai. 

1. Những lưu ý khi đi khám thai

Khi đã nắm được các mốc quan trọng cần đi khám thai, mẹ bầu cần ghi nhớ đi khám đầy đủ và đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Khi đi khám thai mẹ bầu nên mặc đồ rộng rãi, co giãn tốt, đi giày đế bệt, không mặc quần áo bó sát sẽ gây khó khăn trong quá trình khám thai. 

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi siêu âm thai, mẹ bầu nên uống nhiều nước và nhịn đi tiểu trước khi siêu âm. Mẹ nên làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để bác sĩ dễ dàng quan sát thai nhi.

Trước khi đi khám thai, mẹ không nên sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia. Nếu được chỉ định xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ, mẹ nên tuân thủ nhịn ăn theo lời dặn của bác sĩ. Mẹ cần lưu giữ lại hồ sơ và kết quả xét nghiệm những lần khám thai và mang theo khi đi khám những lần sau. 

2. Các cột mốc khám thai mà mẹ bầu cần biết

Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ)

2.1 Khám thai lần đầu: tuần 5 - tuần

Khám thai lần đầu là một trong những mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Trong lần đầu khám thai, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các đánh giá như sau:

  • Kiểm tra cân nặng, chiều cao của mẹ để tính chỉ số BMI của cơ thể nhằm đánh giá tình trạng cân nặng của mẹ. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn cho mẹ để kiểm soát cân nặng trong quá trình mang thai, hạn chế các biến chứng xảy ra. 
  • Thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone hCG với các trường hợp siêu âm chưa rõ tim thai. 
  • Thực hiện kiểm tra huyết áp của mẹ để đánh giá xem mẹ có bị cao huyết áp hay không, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiền sản giật.
  • Siêu âm để kiểm tra vị trí phôi thai xem có gặp phải trường hợp thai ngoài tử cung hay không. 
  • Tính tuổi thai và ngày dự sinh . 
  • Thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra một số bệnh như: bệnh sởi, thuỷ đậu, viêm gan, HIV/AIDS…

Trong buổi đầu khám thai bác sĩ sẽ tư vấn cách bổ sung các loại vitamin và khoáng chất trong quá trình mang thai, hướng dẫn những lưu ý trong lối sống sinh hoạt của mẹ trong suốt quá trình mang thai.

2.2 Khám thai lần hai: tuần 11 - tuần 13

Ở mốc khám thai lần thứ 2, bác sĩ cũng sẽ thực hiện kiểm tra tổng quát về cân nặng, huyết áp, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm nhằm đánh giá sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi. 

Trong lần khám thai này cần phải tiến hành đo độ mờ da gáy và sàng lọc dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Khi đó mẹ bầu sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm Double test để kiểm tra xem thai nhi có mắc các hội chứng Down hay không. 

Nếu kết quả đo độ mờ da gáy có vấn đề cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc các bệnh di truyền thì mẹ sẽ được tư vấn thực hiện xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng của thai nhi như: thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn hoặc sinh thiết gai nhau…

Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ)

2.3 Khám thai lần ba: tuần 16 - tuần 22

Ở thời điểm mốc khám thai lần thứ 3, mẹ bầu cũng được thực hiện các kiểm tra thông thường về cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu... để theo dõi sự phát triển của thai nhi. 

Nếu việc thực hiện xét nghiệm Double test chưa thực hiện được, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm khác là Triple test, đây là loại xét nghiệm máu được thực hiện trong khoảng từ đầu tuần thứ 15 đến tuần 18 thai kỳ. 

Ngoài ra khi các xét nghiệm trước đây cho kết quả thai nhi có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm chọc ối.

2.4 Khám thai lần tư: tuần 23 - tuần 28

Theo dõi thai kỳ, kiểm tra sức khỏe mẹ và bé, đánh giá cân nặng, huyết áp, đo chiều cao tử cung và vòng bụng sản phụ để theo dõi và kiểm tra tim thai. Các mẹ bầu sẽ được chỉ định thực hiện siêu âm 4D nhằm kiểm tra hình thái của thai nhi, giúp tầm soát các bất thường về tim, tay, chân, bụng, não, cột sống hoặc thận của thai nhi. Ngoài ra, siêu âm 4D cũng giúp kiểm tra vị trí của nhau thai và lượng nước ối. Tầm soát tiểu đường thai kỳ được thực hiện bằng cách nạp glucose để kịp thời phát hiện tiểu đường thai kỳ và can thiệp bằng cách thay đổi chế độ ăn và lối sống có thể sử dụng thêm insulin.

Tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối thai kỳ)

2.5. Khám thai lần thứ 5: tuần 28 - tuần 32

Trong giai đoạn từ 28 - 32 tuần của thai kỳ, các mẹ cũng làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe thông thường như đo cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tim thai,... Ngoài ra, mẹ sẽ được làm siêu âm hình thái học quý 3 để phát hiện những bất thường của thai nhi xuất hiện trong tam tứ nguyệt cuối.

2.6. Khám thai lần thứ 6: từ tuần 32 - tuần 36

Trong giai đoạn này mẹ cần đi khám để kiểm tra ngôi thai và sự phát triển của thai nhi. Thời điểm này, mẹ cần đi khám thai 2 tuần/ 1 lần. Ở những trường hợp đặc biệt sẽ được yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác tùy trường hợp.

2.7. Khám thai lần thứ 7: từ tuần 36 - 40

Lần khám thai này, mẹ sẽ được hẹn tái khám mỗi tuần để bác sĩ đánh giá sức khỏe thai nhi thông qua kết quả siêu âm và đo tim thai, đồng thời đánh giá cổ tử cung, khung chậu của mẹ để tiên lượng khả năng sinh thường. 

Kết luận 

Bài viết trên là những thông tin về các mốc khám thai định kỳ và những lưu ý khi đi khám thai mà các mẹ cần nắm rõ. Thăm khám trước sinh giúp mẹ thoải mái về tâm lý, hạn chế rủi ro và đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông nhé.

CH-20231130-18 

Tài liệu tham khảo:

[1] 8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ để sinh con an toàn. Link truy cập: https://suckhoedoisong.vn/8-moc-kham-thai-quan-trong-me-bau-can-nho-de-sinh-con-an-toan-169221219155222967.htm

[2] 10 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Link truy cập: https://ncov.ehealth.gov.vn/2020/09/15/10-moc-kham-thai-quan-trong-ma-me-bau-khong-nen-bo-qua/

[3] Source: https://tamanhhospital.vn/lich-di-kham-thai-dinh-ky-cho-bau/

Bài viết liên quan