Những cột mốc khám và siêu âm thai các mẹ cần lưu ý

Các mẹ đều mong muốn con mình được sinh ra an toàn, khoẻ mạnh. Vậy đâu là những cột mốc khám và siêu âm thai các mẹ cần lưu ý? Hãy cùng để Elevit bật mí cùng mẹ nhé!

Việc khám thai là rất cần thiết, nhằm đảm bảo theo dõi sát sao quá trình hình thành và phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn thai kỳ. Để mẹ bầu có thể cân chỉnh chế độ ăn uống 3 tháng đầu, giữa, cuối thai kỳ cho phù hợp từng thể trạng của mẹ. Siêu âm thai là một dạng kiểm tra chẩn đoán không xâm lấn, đã trở thành thường quy trong thăm khám thai nhi. Từ những ngày đầu thai kỳ đến giai đoạn chuẩn bị vượt cạn, có những mốc khám và siêu âm thai kỳ kèm các xét nghiệm cơ bản theo từng mốc quan trọng các mẹ bầu cần lưu ý:

1. Siêu âm thai được thực hiện thế nào?

Siêu âm được thực hiện trong phòng ánh sáng yếu để đảm bảo hình ảnh hiển thị trên máy được tốt nhất. Bạn sẽ được nằm trên giường siêu âm, bộc lộ vùng bụng nơi cần siêu âm (siêu âm qua đường bụng) hoặc bộc lộ vùng kín (siêu âm qua đầu dò âm đạo). Bác sĩ sẽ bôi 1 ít gel lên vùng cần siêu âm để đảm bảo dẫn truyền sóng âm được tốt nhất. Hình ảnh thai nhi hiển thị trên màn hình theo 2 màu đen trắng.

2. Thai phụ cần chuẩn bị gì trước khi đi siêu âm?

Siêu âm được thực hiện tốt nhất khi bàng quang không đầy nước tiểu (Trừ những trường hợp siêu âm qua đường bụng ở thai giai đoạn sớm). Do đó, cần đi tiểu trước khi siêu âm. Khôi bôi kem dưỡng thể/ dầu dưỡng trong vòng 48 tiếng trước khi siêu âm. Siêu âm không gây đau, tuy nhiên 1 số trường hợp các sĩ ấn đầu dò hơi mạnh có thể gây khó chịu. Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần tham khảo chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần nhé.

3. Siêu âm thai có an toàn không?

Siêu âm đã được sử dụng trong sản khoa hàng thập kỷ nay và được xem là an toàn với thai kỳ. Hiên nay đã có bộ hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn đầy đủ. Thực hiện theo quy chuẩn đó, cho đến hiện tại, chưa có ghi nhận được siêu âm gây hại cho thai. Không thấy tác dụng gây sảy thai hay ảnh hưởng đến thai nhi khi dùng đầu dò âm đạo, ngay cả khi ra máu âm đạo.

4. Siêu âm thai được thực hiện khi nào?

Siêu âm có thể thực hiện ở bất kì thời điểm nào trong thai kỳ. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thời điểm và số lần siêu âm cho mỗi người khác nhau, có 3 thời điểm siêu âm trong thai kỳ mà các chuyên gia khuyến cáo thật sự cần thiết:

  • Từ 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày
  • Từ 19 tuần đến 22 tuần 
  • Từ 30 tuần đến 32 tuần

5. Siêu âm thai kéo dài bao lâu?

Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi thường khoảng 15-30 phút. Một số trường hợp khi thai khó đánh giá do có tư thế khó hoặc cử động quá nhiều, hoặc lớp mô thành bụng mẹ dày cản trở, làm sóng siêu âm đi qua khó hơn, nên thời gian siêu âm có thể phải kéo dài hơn hoặc hẹn sang lần tiếp theo.

6. Tại sao thai phụ cần siêu âm giai đoạn sớm thai kỳ?

  • Đáng giá thai trong tử cung hay ngoài tử cung
  • Đánh giá xem có tim thai chưa
  • Đánh giá số lượng thai
  • Xác định ngày sinh dự kiến sinh
  • Đánh giá những bất thường tử cung hoặc phần phụ
  • Siêu âm đánh giá nguyên nhân ra máu âm đạo (nếu có)

7. Siêu âm thời điểm 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày bao gồm gì?

  • Đánh giá tuổi thai và dự kiến sinh theo chiều dài đầu mông là thời điểm đánh giá chính xác nhất. Sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể:
  • Xác định độ mờ da gáy. Độ mờ da gáy là lớp dịch dưới da ở vùng sau gáy của thai. Tất cả thai đều có lớp dịch này, nhưng nhiều thai bất thường NST có dấu hiệu tăng độ dày lớp dịch này.
  • Đo độ mờ da gáy kết hợp với làm xét nghiệm phương pháp Double test có thể sàng lọc được khoảng 90% các trường hợp thai nhi bị hội chứng Down.
  • Quan sát sớm các cấu trúc giải phẫu như tay, chân, thành bụng, tim, hộp sọ, bánh rau… để phát hiện các bất thường lớn của thai. Sàng lọc nguy cơ tiền sản giật.

8. Siêu âm hình thái thai nhi 19 tuần đến 22 tuần bao gồm gì?

  • Là khoảng thời gian tốt nhất trong thai kì để đánh giá các bất thường về cấu trúc của thai. 19 tuần là thời điểm có thể bắt đầu đánh giá chi tiết cấu trúc thai và 22 tuần là thời điểm tốt nhất để đánh giá.
  • Quan sát hình thái cấu trúc của hộp sọ và não bộ, khuôn mặt, hệ tiêu hoá như gan, ruột, hệ hô hấp như phổi, cơ hoành, hệ tuần hoàn như tim mạch, hệ tiết niệu như thận, bàng quang, hệ xương và các chi, giới tính…
  • Quan sát bánh rau, dây rốn và nước ối.
  • Đo chiều dài cổ tử cung để đánh giá nguy cơ đẻ non.
  • Đánh giá tình trạng phát triển của bé bằng cách đo các chỉ số sinh học của bé như đường kính, lưỡng đỉnh, vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng,… để đánh giá xem bé phát triển có tương ứng với tuổi thai hay không, có bị nhỏ không và nếu nhỏ thì có những nguy cơ gì hay không.

9. Siêu âm thai 30 tuần đến 32 tuần bao gồm gì?

Đây là thời điểm quan trọng để đánh giá sự tăng trưởng của thai. Giống như thời điểm 22 tuần, bác sĩ sẽ đo các chỉ số sinh học của thai để đánh giá thai nhi có đang phát triển bình thường, hay thai nhỏ hoặc lớn hơn bình thường.

Cân nặng thai nhi sẽ được biểu hiện trên báo cáo theo đường bách phân vị:

  • Đường bách phân vị từ 10 đến 90 là thai cân nặng bình thường.
  • Đường bách phân vị dưới 10 là thai nhỏ.
  • Đường bách phân vị trên 90 là thai to.

Cân nặng trên siêu âm có độ lệch so với thực tế khoảng 10%. Siêu âm Doppler được sử dụng để đánh giá về tuần hoàn của thai thông qua các động mạch chính, từ đó đánh giá nguy cơ về thiếu hụt oxy, suy giảm chức năng bánh rau của thai.

  • Với thai nhỏ sẽ có thể có tiên lượng không tốt cho thai. Để có thể có chẩn đoán chắc chắn cũng như đưa ra xử trí tốt nhất, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm thêm và theo dõi tốc độ tăng trưởng của thai qua các lần siêu âm. 
  • Với thai lớn, thường những thai lớn so với tuổi thai sinh ra khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số ít những thai lớn có nguyên nhân do rối loạn chuyển hoá của mẹ như đái tháo đường thai kỳ, nếu không phát hiện có thể gây biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Để an toàn cho thai kỳ, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm cần thiết.

Đánh giá những cấu trúc các cơ quan của thai giống như tuần 22 và thêm một số khác biệt như đánh giá tổn thương xuất hiện muộn ví dụ như tổn thương vỏ não, tắc ruột, hẹp vùng nối bể thận- niệu quản, nhiễm trùng Zika, CMV, Rubella…

10. Siêu âm có thể phát hiện hết bất thường của thai nhi?

Tuỳ từng bệnh lý, có bệnh lý dễ phát hiện hơn, có bệnh lý tuỳ thuộc mức độ biểu hiện, tiến triển thay đổi, khó phát hiện thậm chí là không thể phát hiện trên siêu âm. 

  • Một số bất thường như bất thường tim hay tắc ruột… thường chỉ có thể phát hiện ở giai đoạn muộn của thai kỳ. 
  • Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi tuy có thể laoij trừ phần lớn các dị tật kể trên nhưng không thể loại trừ tất cả các bất thường của thai.
  • Những bệnh lý như tự kỷ, bại não, chậm phát triển trí tuệ không thể phát hiện được trên siêu âm vì những bệnh lý này không do bất thường cấu trúc mang lại.

11. Nếu kết quả siêu âm có vấn đề thai phụ sẽ phải làm gì?

Sẽ là rất tự nhiên nếu bạn stress khi mang bầu kết quả siêu âm thai cho thấy có vấn đề với thai của bạn. Tuy nhiên, các vấn đề trên siêu âm có thể gồm rất nhiều loại, từ các bất thường lớn, rõ ràng, nghiêm trọng đến những vấn đề nhỏ, chỉ là dạng biến thể cấu trúc không gây hậu quả gì. Vậy nên khi siêu âm nghi ngờ có vấn đề, bạn sẽ được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa về y học bào thai để được tư vấn, hướng dẫn về chẩn đoán, xử trí 1 cách chi tiết.

Các bất thường của thai nhi có thể điều trị được hoặc không, có loại có thể điều trị ngay từ giai đoạn bào thai, có loại phải đợi đến lúc sinh ra mới có thể điều trị. Tuỳ từng bất thường, bạn sẽ được hướng dẫn và tư vấn theo từng bước. Những điều cần chú ý thực hiện tiếp theo trong thai kỳ, lập kế hoạch sinh cho bạn, chế độ ăn uống trong thai kỳ,… Dù trong trường hợp nào thì đây cũng là thời điểm bạn cần nhiều sự hỗ trợ nhất không chỉ về y tế.

Ba tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Vì vậy, để mẹ và bé được khoẻ mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

  • Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
  • Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn
  • Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
  • Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữa thai kịp thời.
  • Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh. 

Các mẹ cần tìm đến những địa điểm siêu âm thai uy tín để thăm khám và theo dõi sức khoẻ của mẹ và bé ngay từ đầu thai kì.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sách “Lần đầu làm mẹ”. Accessed July 16, 2017.

Cổng thông tin điện tử bệnh viện Vinmec. Accessed August 21, 2020.

L.VN.MKT.05.2021.1437