Những điều cần kiêng cữ sau sinh mà phụ nữ cần lưu ý
Sau khoảng thời gian 9 tháng mang thai và sinh con, cơ thể mẹ cần được nghỉ ngơi để phục hồi lại sau sinh. Dù là sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể người mẹ cũng đã phải trải qua quá trình vất vả. Vì thế, mẹ cần lưu ý những điều cần kiêng cữ sau sinh để cơ thể nhanh chóng hồi phục.
1. Những điều cần kiêng cữ sau sinh
1.1. Không nên khiêng vác vật nặng
Trong thời gian ở cữ sau sinh, việc khiêng vác hay vận động mạnh không chỉ dùng đến cơ tay mà còn phải gồng cơ bụng. Điều này không tốt với các mẹ mới sinh vì sẽ tác động đến vết mổ hay vết rạch tầng sinh môn, khiến vết thương lâu lành hơn.
1.2. Không nên tập thể dục mạnh
Tập thể dục giúp mẹ giảm cân, nhanh lấy lại vóc dáng ban đầu, song việc tập thể dục quá mức khiến cơ thể mệt mỏi và khó hồi phục. Vì thế mẹ nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng. Nên hạn chế những bài tập vận động mạnh với cường độ cao vì nó có thể ảnh hưởng đến vết mổ hay vết rạch khi sinh.
1.3. Nghỉ ngơi đầy đủ
Việc ngồi quá lâu trong một tư thế sẽ dễ bị đau lưng hơn, nhất là trong những lúc thời tiết thất thường lưng của mẹ sẽ buốt hơn. Vì thế sau sinh mẹ chỉ nên ngồi khi cho bé bú, còn lại hãy cố gắng nằm nghỉ ngơi và có thể đứng lên đi lại nhẹ nhàng.
1.4. Tránh xa các thiết bị điện tử
Việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại di động, laptop, máy tính bảng ... là điều mẹ nên kiêng khi ở cữ sau sinh. Nếu giai đoạn mới sinh xong mẹ sử dụng chúng quá nhiều sẽ khiến mắt nhanh mỏi. Vì thế, để có đôi mắt khỏe mạnh, mẹ nên hạn chế sử dụng những thiết bị này.
1.5. Không sử dụng chất kích thích
Sau sinh, nếu mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thì không nên uống rượu bia vì chúng có thể đi vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nhiều nghiên cứu cho rằng việc uống rượu bia cũng gây giảm lượng sữa. Do đó, tốt nhất, phụ nữ sau sinh nên uống nước lọc, nước trái cây hoặc sữa để đảm bảo đủ sữa cho con bú và đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài ra, mẹ nên kiêng các loại thức uống có chứa cafein như cà phê, trà vì những chất này sẽ gây khó ngủ cho mẹ, hơn thế nó có thể đi vào sữa khiến bé con cũng trằn trọc, khó ngủ.
1.6. Kiêng quan hệ tình dục sớm
Theo các chuyên gia, thời gian kiêng cữ thích hợp nhất là khoảng 4 - 6 tuần sau sinh thì mẹ mới được quan hệ vợ chồng. Sau sinh mẹ cũng cần có thời gian để hồi phục sức khỏe để lấy lại sức. Việc quan hệ quá sớm có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng hay chảy máu vùng kín.
1.7. Không sử dụng thuốc bừa bãi
Sau khi sinh và trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, nếu gặp vấn đề về sức khỏe mẹ cần đi khám và tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc uống vì thuốc có thể qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến bé.
1.8. Hạn chế căng thẳng, mệt mỏi
Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi quá mức có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Tình trạng căng thẳng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Vì thế, nếu căng thẳng mẹ hãy chia sẻ với người thân, mẹ nên suy nghĩ những điều tích cực và duy trì trạng thái thoải mái nhất có thể.
2. Bà bầu sau sinh nên kiêng cữ trong bao lâu?
Ngày xưa, phụ nữ sau sinh phải kiêng cữ đủ 3 tháng 10 ngày (100 ngày). Trong thời gian này, phụ nữ hạn chế làm việc, tắm rửa, đi ra khỏi phòng. Tuy nhiên, ngày nay nhiều nghiên cứu cho rằng phụ nữ không cần phải kiêng khem quá mức như trước, mẹ có thể tắm rửa sau khi sanh.
- Đối với phụ nữ sinh thường: Thời gian lý tưởng nhất để tắm của phụ nữ sau sinh là từ 3-4 ngày. Không kiêng cữ quá lâu, sau khoảng 1-2 ngày là bạn có thể tắm gội nhẹ nhàng và nhanh chóng dưới vòi sen bằng nước ấm. Sau khi sinh con qua ngả âm đạo, âm đạo và đáy chậu của bạn có thể sẽ bị đau, đứng dưới vòi sen là một cách lý tưởng để giảm bớt đau nhức. Thời gian lý tưởng nhất để tắm của phụ nữ sau sinh là từ 3-4 ngày.
- Đối với phụ nữ sinh mổ: Đối với trường hợp sinh mổ, sản phụ có thể tắm, gội đầu bình thường sau 5 – 7 ngày và cần chú ý không để nước lọt vào vết mổ gây viêm nhiễm. Tùy theo tình trạng vết mổ, bạn có thể tắm khi thấy khỏe, tuy vậy, vẫn phải giữ sạch cơ thể bằng việc lau khô người và thay quần áo mỗi ngày. Ngay khi có thể vận động lại được và vết mổ khô bề mặt, việc tắm là cần thiết. Việc gội đầu không ảnh hưởng đến vết thương nên có thể diễn ra bình thường. Trong hầu hết các trường hợp, vết mổ thường mất khoảng ba tuần để lành. Bạn có thể tắm dưới vòi sen nhẹ nhàng và nhanh chóng với xà phòng và nước ấm. Đừng chà vào vết mổ. Sau khi tắm, vết mổ phải được thấm khô bằng khăn sạch. Trên đây là kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ mẹ nên lưu ý
3. Không kiêng cữ sẽ ảnh hưởng như nào?
Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, phụ nữ sau sinh không kiêng cữ có thể gây ra các bệnh hậu sản về sau. Người mẹ dễ dàng mắc phải các chứng bệnh như đau đầu, đau lưng, mệt mỏi, tâm lý bất ổn.
Một số bệnh hậu sản thường thấy nữa là băng huyết, đau đầu, tiền sản giật sau sinh, tổn thương vết sinh mổ... Phụ nữ sau sinh cần ít nhất 6 tuần để hồi phục sức khỏe. Không nên quan hệ tình dục quá sớm sẽ gây chảy máu và nhiễm trùng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mẹ.
4. Khi nào mẹ sau sinh nên đi khám?
Trong giai đoạn sau sinh, bạn nên đến bệnh viện ngay nếu gặp phải một trong những triệu chứng sau:
- Sốt từ 38°C trở lên
- Sản dịch ra nhiều bất thường, khiến bạn phải thay băng vệ sinh mỗi giờ, hoặc sản dịch có chứa các cục máu đông
- Đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực hoặc có ảo giác
- Vết mổ hoặc vết rạch tầng sinh môn bị sưng đỏ, chảy mủ
- Đau, sưng ở chân
- Có dấu hiệu viêm vú, núm vú nứt hoặc chảy máu
- Dịch âm đạo có mùi khó chịu
- Tiểu buốt, tiểu són, hoặc khó kiểm soát việc tiểu tiện
- Đau ở vùng âm đạo
- Đau nhiều ở vùng bụng
- Ho, đau ngực, buồn nôn hoặc nôn mửa
- Các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh, có ý nghĩ tự tử hoặc ý định làm hại em bé.
Kết luận
Kiêng cữ sau sinh là khoảng thời gian mẹ nghỉ ngơi để hồi phục lại sức khỏe. Việc không tuân thủ các điều cần kiêng cữ sau sinh có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ. Mẹ cần sáng suốt tìm hiểu những cách kiêng cữ phù hợp với sức khỏe của bản thân nhất.
CH-20241024-03
Tài liệu tham khảo:
[1]Một số sai lầm về kiêng cữ sau sinh. Link truy cập: https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/mot-so-sai-lam-ve-kieng-cu-sau-sinh-2667
[2]Những lưu ý tắm sau sinh ở phụ nữ. https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/nhung-luu-y-tam-sau-sinh-o-phu-nu-2666
[3]Recovering from Delivery (Postpartum Recovery). https://familydoctor.org/recovering-from-delivery/
[4]Warning signs of postpartum health problems
https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/postpartum/warning-signs-postpartum-health-problems