Mẹ và bé
Thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm
Bài viết này đề cập đến:
Khi nào bạn nên bắt đầu cho bé ăn dặm?
Những món ăn đầu tiên bạn nên thêm vào thực đơn cho bé ăn dặm?
Con tôi có thể bị dị ứng với những loại thực phẩm nào?
Giai đoạn đầu đời của trẻ đôi khi có thể khiến bạn hơi bối rối. Nếu con của bạn đã được 4 - 6 tháng tuổi, đây là lúc bạn nên cho bé ăn dặm. Ở độ tuổi này, bé đã có thể ngồi thẳng mà không cần quá nhiều sự giúp đỡ từ bố mẹ, đồng thời cũng đã có thể ngẩng đầu và cổ một cách dễ dàng.
Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ đã đủ phát triển để xử lý các loại chất rắn và trẻ cũng bắt đầu cảm thấy hứng thú khi ăn.
Bạn cần biết một điều quan trọng rằng vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm. Bạn cũng nên duy trì việc cung cấp nguồn dinh dưỡng dạng lỏng cho đến khi trẻ được 12 tháng tuổi. Chúng tôi xin giới thiệu cho bạn các nguồn dinh dưỡng dạng lỏng khác như:
-
Khi trẻ 6 tháng tuổi: Có thể cho trẻ uống nước đun sôi để nguội bằng ly.
-
Khi trẻ 9 tháng tuổi: Bạn có thể cho trẻ ăn một ít ngũ cốc kèm với sữa bò, tuy nhiên không nên coi đây là nguồn sữa chính.
-
Khi trẻ 12 tháng tuổi: Bạn có thể duy trì việc cho con bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, nhưng sữa bò bây giờ có thể được dùng như nguồn sữa chính.
Bạn không nên cho trẻ dưới 2 tuổi uống các loại sữa tách kem.
Bạn có thể tìm hiểu thêm:
Nhiều bậc cha mẹ chọn kết hợp sữa mẹ hoặc sữa công thức với ngũ cốc cung cấp chất sắt trong thực đơn cho bé ăn dặm. Hương vị quen thuộc của sữa cũng như độ đặc mới lạ sẽ hấp dẫn được trẻ. Bạn có thể tìm mua loại ngũ cốc này ở các tiệm tạp hóa hoặc quầy hàng trẻ em trong siêu thị.
Trái cây và rau củ được nghiền mịn hoặc xay nhuyễn là sự lựa chọn hoàn hảo cho trẻ nhỏ. Bạn đừng thêm bất kỳ loại gia vị, đường hoặc muối nào vào thức ăn của trẻ. Chỉ cần nếm thử, bạn sẽ biết rằng các loại rau củ như cà rốt hoặc trái cây như lê xay nhuyễn có rất nhiều mùi vị. Ngắm nhìn gương mặt đầy bối rối hoặc sáng bừng lên của con khi nếm thử các loại thức ăn mới có thể là một trải nghiệm tuyệt vời với bạn.
Bạn đừng cho trẻ ăn những miếng trái cây hoặc rau củ quá cứng. Đặc biệt, bạn không nên để trẻ ở một mình khi ăn.
Bạn đừng quá lo lắng khi con từ chối các loại thức ăn dạng rắn đầu tiên hoặc nhè đồ ăn ra khỏi miệng nhiều hơn nuốt. Ngoài việc đây là một trải nghiệm mới về vị giác đối với con bạn, bé còn cần phải học cách sử dụng thành thạo lưỡi để giữ thức ăn trong miệng.
Từ khoảng 8 tháng tuổi, bé nhà bạn đã sẵn sàng để bắt đầu tự ăn. Các loại thực phẩm thuộc nhóm finger food (thức ăn có thể cầm tay) như các miếng chuối hoặc dưa mềm, mì ống nấu chín mềm, bánh mì nướng hoặc bánh quy dành cho trẻ em là các loại thực phẩm có thể giúp con bạn tận hưởng những điều mới lạ một cách độc lập.
Bạn đừng cho con ăn những miếng trái cây hoặc rau quá cứng, bỏng ngô, các loại hạt hoặc các loại thức ăn cứng khác. Bạn cũng nên nhớ đừng để con ở một mình khi đang ăn vì trẻ có thể bị nghẹn bất cứ lúc nào.
Bạn hãy tham khảo hướng dẫn này của St John’s Ambulance Australia để biết những việc nên làm nếu con bị nghẹn.
Nghiên cứu cho thấy rằng bạn cho trẻ làm quen với các loại thực phẩm càng sớm thì trẻ càng ít có nguy cơ bị dị ứng với loại thực phẩm đó. Bạn nên bắt đầu cho trẻ ăn trứng và đậu phộng nấu chín kỹ (thường ở dạng bơ đậu phộng) trước 12 tháng tuổi.
Các loại thực phẩm khác có nguy cơ gây dị ứng cao là:
- Cá
- Động vật có vỏ
- Vừng/mè
- Lúa mì
- Các sản phẩm làm từ sữa, như sữa bò
Bạn nên cho con thử các loại thực phẩm mới vào ban ngày để có thể phát hiện các phản ứng dị ứng ở trẻ.
Nếu con bạn bắt đầu có phản ứng dị ứng, chẳng hạn như phát ban, sưng môi, khó thở hoặc nôn mửa, bạn phải ngừng cho trẻ ăn và tìm đến sự giúp đỡ y tế ngay. Hãy gọi ngay đến số cấp cứu 115 nếu bạn thấy các phản ứng chuyển biến nghiêm trọng hoặc có thể đe dọa đến tính mạng.